Đau răng (nhức răng): Nguyên nhân và cách phòng ngừa triệu chứng
Đau răng (nhức răng): Nguyên nhân và cách phòng ngừa triệu chứng
Đau răng (nhức răng): Nguyên nhân và cách phòng ngừa triệu chứngVệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khoang miệng, gây nên các vấn đề về răng miệng nói chung và dẫn đến tình trạng đau răng. Để giải quyết triệt để tình trạng này, việc xác định nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa triệu chứng đau răng rất cần thiết.
Đau răng (nhức răng) là tình trạng bề mặt hoặc bên trong răng bị đau hoặc nhức buốt. Đây là vấn đề khá phổ biến và thường xuất hiện khi răng miệng không được vệ sinh tốt hoặc sức khỏe răng miệng kém.
Nếu để tình trạng này diễn biến trong thời gian dài, sức khỏe răng miệng sẽ ngày càng đi xuống và dẫn đến nhiều biến chứng cũng như để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm, vì vậy cần có sự hỗ trợ từ bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân đau răng là gì?
Thông thường, vệ sinh răng miệng kém dễ dẫn đến các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây đau răng:
1. Sâu răng
Sâu răng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng đau răng. Sâu răng bắt đầu khi vi khuẩn trong miệng tạo ra axit tấn công bề mặt răng (hay men răng), tạo thành một lỗ nhỏ trên răng gọi là sâu răng. Sâu răng không được điều trị sẽ gây đau, nhiễm trùng và thậm chí rụng răng.
Ai cũng có thể bị sâu răng, từ người già cho đến trẻ em. Tuy nhiên, trẻ nhỏ có nguy cơ bị sâu răng sớm, hay còn được gọi là sâu răng do bú bình. Tình trạng sâu răng nghiêm trọng này bắt đầu ở răng cửa của bé và có khả năng ảnh hưởng đến những răng lân cận. Ở người lớn tuổi, tình trạng tụt nướu khá phổ biến tạo điều kiện cho vi khuẩn gây sâu răng trong miệng tiếp xúc với chân răng, có thể bị sâu bề mặt chân răng.
Khi vi khuẩn gây sâu răng tiếp xúc với đường và tinh bột từ thực phẩm và đồ uống, chúng sẽ tạo thành axit. Axit này có thể tấn công men răng, khiến răng mất khoáng chất. Khi răng tiếp xúc nhiều lần với axit, chẳng hạn như khi bạn thường xuyên ăn thức ăn hoặc uống nhiều đường và tinh bột, men răng sẽ tiếp tục mất khoáng chất, làm răng xuất hiện đốm trắng, đây là dấu hiệu của sự phân rã sớm.
Quá trình sâu răng có thể được ngăn chặn hoặc tự sửa chữa vào thời điểm này. Men răng có thể tự sửa chữa bằng cách sử dụng khoáng chất từ nước bọt và fluoride từ kem đánh răng, hoặc thông qua việc nha sĩ hoặc chuyên gia vệ sinh răng miệng sử dụng fluoride. Nếu nhiều khoáng chất bị mất đi hơn mức có thể phục hồi, men răng sẽ yếu đi và cuối cùng bị phá vỡ, hình thành sâu răng.
2. Răng ê buốt
Răng ê buốt xảy ra khi ăn hoặc uống đồ ăn quá nóng hoặc lạnh, hoặc khi răng chịu tác động vật lý, như khi đánh răng hoặc đồ quá cứng. Nếu mức độ nhạy cảm nhẹ, bạn có thể sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm để giảm thiểu tình trạng này.
3. Răng nứt vỡ hoặc miếng trám răng bị vỡ
Nếu răng bị hư hại như sứt, mẻ hoặc từng trám răng, răng sẽ dễ đau, ê buốt hoặc khó chịu hơn. Vì vậy, cần khắc phục tình trạng răng hư tổn để phòng ngừa khả năng nhiễm trùng răng hoặc các vấn đề nha khoa khác. Cẩn thận khi vệ sinh răng bị tổn thương và tránh để răng tiếp xúc với thức ăn quá cứng, và đi khám bác sĩ nha khoa ngay để được hỗ trợ kịp thời.
4. Nhiễm khuẩn (Áp xe răng)
Vi khuẩn tích tụ làm xuất hiện các tình trạng như viêm nướu, sâu răng hoặc răng bị hư tổn hoặc áp xe răng. Bác sĩ nha khoa sẽ điều trị bằng thuốc khử trùng, thuốc kháng sinh, hoặc tư vấn người bệnh điều trị tủy răng trong trường hợp nhiễm trùng nặng.
5. Răng mọc kẹt – mọc lệch
Tình trạng răng mọc hoặc nhú 1 phần khỏi nướu cũng gây đau nhức khó chịu, tình trạng này thường xảy ra khi trẻ em mọc răng sữa và người lớn mọc răng khôn.
Răng khôn là răng mọc cuối cùng ở người trưởng thành, một vài người sẽ không có đủ chỗ để răng khôn phát triển hoàn toàn, dẫn đến việc răng khôn mắc kẹt giữa nướu và xương hàm. Cùng có tình trạng răng khôn mọc ở vị trí khó tiếp cận, dẫn đến việc khó vệ sinh, tạo ra các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như: nhiễm trùng nướu, đau răng khôn, sâu răng,…
6. Bệnh nha chu
Viêm nha chu là một dạng bệnh nướu răng nghiêm trọng do vi khuẩn tấn công gây viêm các mô mềm xung quanh răng. Nếu không được điều trị, vi khuẩn sẽ xâm lấn, làm tiêu xương nâng đỡ răng, dẫn đến lung lay và rụng răng.
7. Nghiến răng hoặc nhai liên tục
Thói quen nghiến răng trong khi ngủ hoặc nhai liên tục có thể bào mòn men răng, dễ dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm, ê buốt hoặc đau nhức răng. Nghiến răng có thể làm hỏng răng, làm mòn men răng và gây tụt lợi hoặc ngứa nướu do ma sát liên tục. Người lớn thường nghiến răng do căng thẳng hoặc phản xạ trong khi ngủ. Trong khi đó, tình trạng nghiến răng ở trẻ phổ biến hơn do răng mọc lệch, đau tai hoặc mọc răng. Trong những trường hợp nặng, nghiến răng sẽ gây đau, đỏ và ngứa nướu do kích ứng và thay đổi cấu trúc răng.
8. Các nguyên nhân khác
Khi sức khỏe tổng thể gặp vấn đề cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau răng:
Cơn đau do nhiễm trùng xoang, đau nửa đầu hoặc cơn đau do các vấn đề sức khỏe khác.
Nhiễm virus, ví dụ điển hình là bệnh zona thần kinh.
Cơ thể thiếu hụt vitamin.
Lạm dụng thuốc hoặc đồ uống có cồn như bia, rượu.
Bệnh tiểu đường, hoặc các loại bệnh khác có ảnh hưởng tới dây thần kinh.
Đau răng kéo dài có thể gây hậu quả nào?
Đau răng kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến sâu răng, và khi để vết sâu răng phát triển ngày một lớn hơn thì cùng với nó cơn đau nhức cũng sẽ ngày càng dữ dội hơn.
Tuy sâu răng có tốc độ phát triển chậm, nhưng tình trạng này có thể kéo dài liên tục trong vài năm. Với người bị sâu răng giai đoạn đầu sẽ không có cảm giác đau nhức nhiều, vì vậy nhiều người thường chủ quan, không đi hoặc trì hoãn việc đi khám và điều trị, khiến cho sâu răng diễn tiến ngày càng nghiêm trọng. Cho đến khi tình trạng sâu răng bắt đầu lan rộng thì cơn đau cũng ngày một dữ dội hơn. Có nhiều trường hợp sâu răng nghiêm trọng tới mức người bệnh không thể ăn uống.
Đau nhức răng trong thời gian dài còn có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm khác như: áp xe răng, nhiễm trùng, viêm quanh chân răng, bệnh nha chu,… và lây lan sang các răng lân cận. Vì vậy, nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau nhức răng miệng, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ có những biện pháp khắc phục kịp thời, tránh gặp phải các biến chứng như trên.
Bị nhức răng nên làm gì?
Dưới đây là một số cách trị đau răng có thể áp dụng tạm thời tại nhà. Tuy nhiên, khi bị nhức răng trong thời gian dài, bạn nên tìm đến bác sĩ để được điều trị kịp thời nếu sức khỏe răng miệng gặp vấn đề, tránh trì hoãn, bệnh sẽ càng thêm nặng.
1. Chườm lạnh
Chườm lạnh hoặc chườm đá có thể giúp giảm đau răng, đặc biệt nếu đau răng do chấn thương hoặc sưng nướu. Việc chườm lạnh sẽ làm co mạch máu, làm chậm quá trình lưu thông máu đến vùng bị ảnh hưởng. Điều này giúp làm tê cơn đau và giảm sưng và viêm. Bạn có thể đặt túi nước đá đông lạnh vào phần da bên ngoài má phía trên chiếc răng đau trong vài phút mỗi lần.
2. Súc miệng với nước muối
Súc miệng bằng nước muối ấm giúp làm lỏng các mảnh vụn còn sót lại trong sâu răng hoặc giữa các răng, đồng thời làm giảm sưng tấy, tăng cường khả năng lành thương và giảm đau họng. Có thể súc miệng bằng nước muối bằng cách hòa 1 ly cà phê muối vào một cốc nước ấm và súc miệng trong khoảng 30 giây trước khi nhổ sẽ giúp sát khuẩn khoang miệng vá tránh được các vấn đề có khả năng phát sinh.
3. Dùng thuốc giảm đau răng
Thuốc không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen và ibuprofen có thể giúp giảm đau tạm thời khi bị đau răng. Lưu ý trẻ em dưới 16 tuổi không nên sử dụng aspirin.
4. Giảm đau răng tại nhà bằng một số thảo dược thiên nhiên
Có thể sử dụng trà bạc hà, cỏ xạ hương, hay lô hội để giảm bớt tình trạng đau hoặc ê buốt răng.
Đau nhức răng: Khi nào cần khám bác sĩ?
Đau răng được nhiều người coi là triệu chứng thường gặp với nhiều nguyên nhân khác nhau nên hầu hết mọi người đều tự điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn. Những người khác tìm kiếm các biện pháp và kỹ thuật dân gian để giảm đau và tăng tốc độ hồi phục.
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị đau răng chỉ có thể giúp giảm đau tạm thời và bệnh nhân vẫn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác và được điều trị triệt để. Không nên kéo dài thời gian này vì sâu răng có thể trở nên trầm trọng, gây đau đớn nhiều và khó điều trị hơn.
Khi xuất hiện các triệu chứng sau, bạn nên đi khám bác sĩ hoặc theo dõi để tìm ra nguyên nhân chính xác gây đau răng để có thể điều trị triệt để.
Thời gian đau răng kéo dài hơn 2 – 4 tuần.
Răng đau dữ dội, cấu trúc khuôn mặt bị biến dạng, răng hoặc nướu sưng tấy, nhiều mủ.
Sâu răng hoặc đau răng có tiền sử sâu răng chưa được điều trị.